27/07/2024

Tin Mới 360

Cập Nhật Tin Công Nghệ | Đời Sống | Sport | Mỹ Thuật | Y Học

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số tỉnh thành trên cả nước đang diễn biến phức tạp
4 phút, 25 giây để đọc.

Hiện tình hình dịch sốt xuất huyết tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, bệnh này có thể biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Cách phòng bệnh tốt nhất là chủ động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để không bị muỗi đốt. Nhiều bệnh nhân chủ quan không đi khám mà tự ý điều trị tại nhà dẫn đến bệnh nặng thêm. Vậy bệnh nguy hiểm như thế nào? Làm thế nào để điều trị, phòng tránh? Cùng tiềm hiểu ngay để bảo vệ bản thân và gia đình.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng… Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Sốt xuất huyết có triệu chứng gì?

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa

Biểu hiện lâm sàng

Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau thì nghi mắc sốt xuất huyết:

– Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết, phát ban.

– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Xét nghiệm

– Hematocrit bình thường (không có biểu hiện cô đặc máu).

– Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm.

– Số lượng bạch cầu thường giảm.

Các dấu hiệu cảnh báo

Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:

– Vật vã, lừ đừ, li bì.

– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

– Gan to > 2 cm.

– Nôn nhiều.

– Xuất huyết niêm mạc.

– Tiểu ít.

– Xét nghiệm máu: Hematocrit tăng cao. Tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Sốt xuất huyết nặng

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:

– Suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.

– Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, đông máu nội mạch nặng.

– Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

Suy tạng nặng

– Suy gan cấp: (AST, ALT ≥ 1000 U/L), prothrombin < 75%, Albumin < 35 g/l

– Suy thận cấp: thiểu niệu, vô niêu; Ure, Creatinine máu tăng, K+ máu tăng

– Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não).

– Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Bổ xung dịch sớm, đủ bằn đường uống

Nguyên tắc điều trị khi bệnh nhân khi chưa đến bệnh viện:

– Bổ xung dịch sớm, đủ bằn đường uống, uống đủ và đúng: oresol, cháo/súp. Hoặc nước cháo loãng với muối, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …).

– Nếu sốt cao ≥ 38,50C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo, lau mát bằng nước ấm. Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h.

– Không dùng nhóm salicylate (aspirin) và analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Khi nào cần khám và theo dõi bệnh nhân tại cơ sở y tế?

– Tất cả mọi bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế gần nhất (nếu có thể) để xác định chẩn đoán và hướng dẫn điều trị ngoại trú.

– Khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo như trên, hoặc người cao tuổi, người có các bệnh nền: đái tháo đường, đặt stend mạch vành, suy thận, tăng huyết áp…

Phòng bệnh

– Tránh muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài, đi tất…

– Ngăn chặn vec tơ truyền bệnh: phun thuốc chống muỗi, hạn chế muỗi sinh sản, phát triển: các vật dụng chứa nước trong nhà cần được đậy kín, tránh để muỗi đẻ trứng sinh bọ gậy, loại bỏ các đồ vật chứa nước đọng, phát quang bụi cây ở xung quanh nhà; khơi thông cống rãnh.